Thứ Tư, 31 tháng 10, 2007

Rượu vang và sức khoẻ

Thỉnh thoảng tôi vẫn có cái thú vui được ngồi uống rượu với anh em văn nghệ sĩ và cựu quân nhân. Các vị này uống rất hào, đúng là “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”. Gặp được bạn tâm giao cùng uống, cổ nhân coi ngàn chén còn là ít thì lũ chúng ta có xá gì dăm bảy chai whisky hay cognac mà không cạn hết cho đời lên men!

Tuy nhiên cái lối uống đó rất không nên. Họ khuyến thúc nhau, thi đua nhau uống thật nhiều, thật mau bằng những tiếng dzô, dzô đầy hào hứng. Dzô tức là phải nốc một hơi cạn chén. Uống càng nhiều càng chứng tỏ mình là tay tửu lượng cao, và càng được bạn bè nhìn bằng con mắt thán phục. Uống như thế thì có vẻ giống tác phong của những tay hào khách giang hồ cỡ Kiều Phong hay Lệnh Hồ Xung thật đấy, nhưng rất có hại cho sức khỏe. Cháy gan, lủng bao tử là cái chắc.

Chúng ta biết rằng gan là bộ phận có chức năng gạn lọc và loại trừ những độc tố trong đồ ăn thức uống trước khi chúng thấm nhập vào dòng máu. Nhưng gan cần phải có đủ thì giờ mới có thể làm được công việc đó một cách hữu hiệu. Nếu ta uống rượu từ từ, vừa uống vừa nhấm nháp hương thơm vị đượm của ly rượu một cách khoan thai, nhất là có kèm theo một vài món ăn, thì chất alcohol trong rượu vừa ngấm vào cơ thể là đã được buồng gan đốt đi phần lớn. Lượng alcohol còn lại chỉ vừa đủ để làm ta say một cách nhẹ nhàng thoải mái. Tửu hứng vừa đủ như vậy sẽ cho ta cảm giác lâng lâng thích thú, sảng khoái yêu đời, câu chuyện tán dóc với bạn bè cũng trở thành ý nhị đậm đà hơn.

Trái lại, nếu ta dzô dzô một lúc dăm bảy ly rượu mạnh đại khái như cognac, whisky hay bourbon, loại nào cũng có nồng độ alcohol từ 80 đến 90 độ proof, tức khoảng 40% hoặc 45% cồn nguyên chất, ta sẽ cảm thấy trời đất quay cuồng, mặt mày choáng váng, nôn nao khó chịu. Lý do là vì gan đốt không kịp nên một khối lượng rượu quá lớn thâm nhập được vào dòng của máu ta rồi tác động lên não bộ, khiến cho ta không còn tỉnh táo nữa. Khi lượng ruợu trong máu lên tới mức 0.1 thì những khả năng trí tuệ như nhận thức, suy luận, phán đoán, phân tích v.v... đều bị lệch lạc hoặc suy giảm. Nếu ta lái xe vào lúc đó, ta sẽ rất dễ gây tai nạn. Chính vì vậy mà luật lệ ở hầu khắp các tiểu bang trên nước Mỹ đều quy định rằng nếu một người lái xe bị cảnh sát chận lại và khám phá thấy là lượng rượu trong máu của người đó lên tới mức 0.08 thì không cần biết khả năng trí tuệ có suy giảm hay không, người đó vẫn bị kết án về tội say rượu lái xe và có thể bị rút bằng lái.

Khổ một nỗi là trong những bữa nhậu của đám anh em “hào khách giang hồ”, chúng ta thường có khuynh hướng uống cho đã, rồi lại còn thách đố nhau cạn hết ly này đến chén khác để xem tửu lượng ai cao hơn. Vào những dịp được anh em rủ rê uống thi đua như vậy, tôi thường tuyên bố thua cuộc ngay từ lúc mới bắt đầu. Tôi vẫn phải mượn mấy câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến để tự mô tả cái tửu lượng yếu kém của mình:

Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy
Ðộ dăm ba chén đã say nhè !

Thực ra, theo quan niệm của tôi thì chúng ta uống rượu phần chính là để thưởng thức hương vị thơm ngon của rượu chứ không bao giờ nên uống cho say nhè. Uống mà đến nỗi không còn phân biệt được rượu ngon hay rượu dở, nốc ly ruợu vào chỉ cảm thấy đắng ngắt trong miệng, sáng hôm sau thức dậy vẫn còn bị đầu nhức mắt hoa, ngây ngất khó chịu cả ngày thì còn gì là thú vị nữa!

May mắn thay, cái khuynh hướng chung ở nước Mỹ này cũng như trong giới “hào khách giang hồ” của chúng ta trong vòng vài chục năm qua là giảm bớt mức tiêu thụ rượu mạnh và chuyển sang thưởng thức rượu vang. Mới đây, nhân một chuyến đi thăm các nhà làm rượu nổi tiếng tại Napa Valley rồi tình cờ ghé lại tiệm Quảng Ðà ở San Jose vào một buổi tối, tôi đã rất vui khi được gặp lại mấy người bạn cũ ở đó sau nhiều năm xa cách. Ðiều khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú là thấy các vị này đang quây quần nhậu nhẹt bên mấy chai vang đỏ chứ không phải Cognac hay Whisky như thông lệ. Họ kéo ngay tôi vào bàn tiệc rót rượu mời uống và ca ngợi rượu vang California hồi này ngon không kém gì rượu Pháp.

Ðây là một sự kiện rất đáng mừng bởi vì rượu vang là một thứ đồ uống tuyệt hảo, thơm ngon, đậm đà mà lại nhẹ nhàng bổ ích cho cơ thể. Lượng alcohol của nó chỉ vào khoảng từ 11% cho đến 14%, so với rượu mạnh là từ 40% cho đến 45%. Do đó, nếu ta có vui bạn vui bè mà quá chén nhậu hết nửa chai rượu vang thì cũng không đến nỗi say lắm, nhưng nốc vào nửa chai ruợu mạnh thì tai hại là cái chắc.

Rượu vang - nếu uống một cách điều độ, vừa phải, tức là không quá 3 ly cỡ 4 ounces cho đàn ông và 2 ly cho đàn bà mỗi ngày, lại còn có lợi cho sức khỏe của ta nữa. Ký giả truyền hình nổi tiếng Morley Safer, người phụ trách chương trình 60 Minutes được rất nhiều khán giả theo dõi trên đài CBS, nhân một chuyến đi nghỉ hè ở miền núi Pyrenees bên Pháp vào năm 1991, đã quan sát thấy một hiện tượng nghịch lý mà ông gọi là “The French Paradox”. Ông nhận thấy là dân chúng địa phương - phần lớn sống bằng nghề chăn nuôi gà vịt và sản xuất foie gras, tức là gan béo lấy từ những con vịt hoặc con ngỗng được nuôi cho thật mập nên thức ăn hằng ngày của họ cũng chứa rất nhiều chất béo, chất cholesterol. Những thứ này một khi được đưa vào cơ thể thì dễ đọng lại trong các mạch máu, làm tắc nghẽn sự tuần hoàn của máu và gây ra rất nhiều chứng bệnh về tim mạch, đôi khi đưa tới những cơn đột quỵ.

Mở rộng tầm quan sát ra xa hơn nữa, Morley Safer thấy rằng dân chúng Pháp nói chung tiêu thụ rất nhiều bơ, sữa, fromage, paté, saucisse, thịt mỡ, v.v.. Khối lượng chất béo xấu, thuộc loại saturated fat mà họ ăn vào bụng nhiều gấp 3 lần khối lượng tiêu thụ ở Mỹ. Ấy thế mà tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch và chết vì đột quỵ ở Pháp lại chỉ bằng 1/3 so với dân Mỹ. Tại sao lại có tình trạng nghịch lý như vậy?

Vốn là một ký giả chuyên điều tra những chuyện ly kỳ bí ẩn, Morley Safer bèn mở cuộc nghiên cứu để tìm hiểu xem nguyên nhân nào đã giúp cho dân Pháp sống khỏe mạnh và sống lâu là đằng khác bất chấp những đồ ăn độc hại đó. Sau khi tham khảo ý kiến của các nhà dinh dưỡng, các bác sĩ chuyên về tim mạch, và thâu thập các dữ kiện về lối sống cũng như chế độ ăn uống của dân chúng ở cả 2 nước, ký giả Safer báo cáo trong một chương trình 60 Minutes vào tháng 11 năm 1991 rằng ngoài một vài nguyên nhân phụ như dân Pháp vận động nhiều hơn, ít ngồi một chỗ coi TV hơn, thì nguyên nhân chính là vì dân Pháp uống rượu vang một cách thường xuyên và đều đặn, nhất là rượu vang đỏ.

Kể từ hồi đó, các chuyên gia nghiên cứu của những cơ sở có uy tín như trường đại học Harvard, trường đại học Johns Hopkins, v.v... tiếp tục đưa ra thêm nhiều kết quả mới, chứng tỏ sự liên hệ giữa việc uống rượu vang vừa phải và những lợi ích cho sức khỏe. Chẳng hạn, họ tìm thấy rằng những người uống ruợu vang đều đặn từ 1 đến 6 ly mỗi tuần lễ được giảm bớt nguy cơ bị lên cơn đau tim đến 25%, và giảm bớt nguy cơ bị đột quỵ đến 34% so với những người không uống ruợu. Họ cũng thấy rằng các hợp chất trong rượu vang như phenolic compounds, flavonoids, tannin... là những chất anti-oxidants có khả năng chống lão hóa. Các hóa chất khác trong rượu vang có thể đưa tới việc chữa trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt, làm chậm bớt sự chai cứng động mạch và giúp ngăn chặn bệnh tiểu đường.

Trong cuộc Hội Nghị Quốc Tế lần thứ nhì về mối liên hệ giữa ruợu vang và sức khỏe của hệ thống tim mạch, với sự tham dự của gần 150 bác sĩ và chuyên gia nghiên cứu từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, được diễn ra trong 4 ngày tại Nam California hồi tháng 2 năm 2004, một thông điệp chung đã được đưa ra, đó là: “Các y sĩ nên bắt đầu phổ biến cho công chúng biết rằng việc uống rượu vang vừa phải và đều đặn có thể đem lại những lợi ích lớn lao cho sức khỏe.” Họ nêu ra một loạt những công trình thử nghiệm trong vòng mười mấy năm qua, mà kết quả đã chứng tỏ là uống rượu vang một cách điều độ có thể giúp ngăn chặn được những cơn đột quỵ, giảm bớt nguy cơ bị một số bệnh ung thư và nhiều chứng bệnh khác, đặc biệt là bệnh về tim mạch.

Ông Tedd Goldfinger, giám đốc Sáng Hội Vùng Sa Mạc Bảo Vệ Sức Khỏe Của Trái Tim (The Desert Heart Foundation) ở Tucson, Arizona nói: “Hiện có một sự bột phát các cuộc khảo cứu mới, cho thấy những ích lợi được chứng minh rõ rệt của rượu vang. Các bác sĩ cần phải thông báo những điều này cho bệnh nhân của họ được biết.” Vào cuối cuộc hội nghị, bác sĩ Donald Thomas, một chuyên gia về bệnh suyễn và đường hô hấp ở Maryland, cho biết: “Với những kết quả vừa được công bố, tôi sẽ cảm thấy vững tâm thoải mái hơn khi khuyến nghị các bệnh nhân của tôi nên uống rượu vang một cách vừa phải và đều đặn.”

Nếu liệt kê ra đây tất cả những cuộc nghiên cứu của các học viện có uy tín, chứng tỏ sự lợi ích cho sức khỏe do rượu vang đem lại thì bài viết này sẽ dài quá cỡ. Ðể kết luận, ta chỉ cần nhớ rằng nếu ta thay đổi lối uống từ kiểu thi đua dzô dzô những ly rượu mạnh sang việc thưởng thức một vài ly rượu vang cùng với món ăn thích hợp trong những bữa tiệc vui với bằng hữu, ta sẽ gia tăng được sự thích thú và đồng thời còn có triển vọng ngăn ngừa bệnh tật và thăng tiến sức khỏe cho mình.

Lê Văn, Certified Specialist of Wine

Không có nhận xét nào: